Thứ Sáu, 2025-01-03, 8:58 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Tư » 8 » Việt Nam: Khủng hoảng vì Hồ hởi
11:46 AM
Việt Nam: Khủng hoảng vì Hồ hởi


2011-04-06

Trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam như bị chấn động bởi hàng loạt vấn đề dồn dập:

RFA PHOTO

Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam từ tháng 12-2010 đến tháng 3-2011.


Lạm phát lại hoành hành như ba năm về trước trong khi khiếm hụt cán cân thương mại bào mỏng số dự trữ ngoại tệ và cách đối phó của chính quyền gây phản ứng hốt hoảng trên thị trường vàng và đô la. Mới chỉ bốn năm trước thôi, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đã là nguồn kỳ vọng cho giới đầu tư nước ngoài. Ngày nay, xứ này đang là quốc gia có vấn đề. Vì sao lại như vậy? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả qua cuộc trao đổi sau đây do Vũ Hoàng thực hiện với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Vượt tầm kiểm soát?

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Chính quyền Việt Nam lại vừa ban hành một số biện pháp kinh tế mới như tăng lãi suất tái tài trợ, nâng mức lương tối thiểu, giảm giá đồng bạc. Những biện pháp trên nối tiếp hàng loạt quyết định nhằm ổn định tình hình vật giá đã như bung ra khỏi khả năng kiểm soát của chính quyền. Kỳ này, Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông phân tích cho nguyên nhân của tình trạng bất thường này sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và vượt qua được nạn Tổng suy trầm Toàn cầu trong các năm 2008-2009.

Lý do quan trọng nhất khả dĩ giải thích trường hợp này thì có lẽ đó là sự lạc quan thiếu cơ sở của Chính phủ do sự am hiểu chưa tường tận về quy luật kinh tế.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu có một lý do quan trọng nhất khả dĩ giải thích trường hợp này thì có lẽ đó là sự lạc quan thiếu cơ sở của Chính phủ do sự am hiểu chưa tường tận về quy luật kinh tế và lại ít chú trọng đến phẩm chất cuộc sống của người dân. Câu chuyện này khá dài nên tôi xin đi từng bước giải thích.

- Trước tiên, lãnh đạo Việt Nam là những người đa nghi và chưa am hiểu quy luật kinh tế. Họ  thảo luận rất căng vì nhiều chuyện không đáng và ngần ngại ký kết một số thoả thuận với bên ngoài, như Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ năm 2000 hoặc thỏa ước gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006. Lồng trong sự thiếu hiểu biết đó là một phản ứng khác cũng đáng nói không kém là "đầu cơ kiến thức". Tức là không chia sẻ thông tin một cách rộng rãi cho mọi người về những luật chơi mới trong nền kinh tế thị trường. Trong khi ấy, và đây là yếu tố thứ ba, Chính quyền lại thích tuyên truyền cho nên khi có những thay đổi về quy luật ứng xử về kinh tế thì lại coi đó là thành tích và chỉ nói đến những mặt tích cực mà không cảnh báo về loại vấn đề mà kinh tế quốc dân có thể gặp. Từ sông hồ con con khi ra tới biển lớn thì mình sẽ gặp những thách đố mới và lớn lao hơn. Hậu quả của ba đặc tính đa nghi, giấu diếm vì tư lợi và tuyên truyền về chính trị là quốc gia không được chuẩn bị cho một trò chơi lớn sau khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức WTO. Khi ấy, người ta chỉ lạc quan hồ hởi và không nhìn xa.

Vũ Hoàng: Như vậy, ông trở lại nguyên ủy sâu xa của vấn đề ngày nay từ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO từ gần năm năm về trước?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng vì một vụ khủng hoảng như hiện nay có những nguyên nhân sâu xa chứ không thể xảy ra bất ngờ đâu. Lãnh đạo giỏi là người phải biết tiên liệu là trường hợp không có tại Việt Nam. Mà làm sai lại không bị kỷ luật là trường hợp chỉ có tại Việt Nam. Tôi xin được giải thích tiếp.

- Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO thì đến lượt giới đầu tư quốc tế cũng lạc quan hồ hởi vì triển vọng phát triển của xứ này. Kết quả là trong không khí phấn khởi chung, nguồn tư bản trút vào Việt Nam đã tăng ào ạt và thực tế là tăng quá sức hấp thụ của một nền kinh tế dù sao vẫn có cơ chế èo uột và một hệ thống quản lý kinh tế rất thô sơ.

sicxh1236490385-250.jpg
Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ. AFP PHOTO.
- Chúng ta nhìn thấy việc đó qua cách ứng xử của Việt Nam với một nguồn tiền bỗng dưng tràn ngập trong nhiều dự án đầu tư mà ít ai thẩm định giá trị kinh tế. Nếu Việt Nam có kinh nghiệm thì có thể đã thấy tái diễn hiện tượng tôi gọi là sự hồ hởi Đông Á 10 năm về trước, trước khi có vụ khủng hoảng 1997-1998. Khi vụ khủng hoảng ấy xảy ra trong các lân bang, Việt Nam không bị hiệu ứng trực tiếp và nặng về vì chưa hội nhập với thế giới bên ngoài và lãnh đạo lại chẳng hiểu như vậy mà cứ tưởng rằng mình khôn. Vì vậy, nên 10 năm sau không chuẩn bị ứng phó với nguồn tiền quá nhiều quá rẻ tràn vào như đã tràn vào Thái Lan, Malaysia hay Phi Luật Tân trước đó.

Nguy cơ khủng hoảng?

Vũ Hoàng: Theo như ông phân tích thì Việt Nam có gặp lại bài toán của các nước Đông Á 10 năm về trước khi tư bản nhập nội đã đột ngột trút vào nền kinh tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy về hai mặt tâm lý và quản lý. Nhưng không hẳn là vì vậy mà Việt Nam sẽ lại bị khủng hoảng y hệt như các nước lân bang Đông Á kia, mà có thể lại gặp chuyện khác. Tôi xin giải thích tiếp trước khi mình nói đến những chuyện khác đó là gì.

Việt Nam gặp hai yêu cầu trái ngược là vừa kềm hãm lạm phát vừa đạt tốc độ tăng trưởng cao mà tăng trưởng lại là ưu tiên của lãnh đạo.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Khi đầu tư nước ngoài tràn vào kể từ năm 2007 tới cao điểm là 2009, và lên tới 10% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, lãnh đạo Việt Nam thực tin vào sự tuyên truyền của chính mình mà không nhìn ra vấn đề. Vì tin như vậy nên cũng hồ hởi chạy theo trào lưu lạc quan của thiên hạ mà bơm tín dụng vào kinh tế với mục tiêu là đạt mức tăng trưởng rồng cọp. Cùng với đầu tư nước ngoài, lượng tín dụng đó dẫn tới hiện tượng gọi là nóng máy kinh tế, tức là gây nguy cơ lạm phát. Yếu kém về khả năng quản lý khiến Việt Nam khó đối phó với nạn lạm phát tiền tệ do tự mình gây ra. Huống hồ là trong năm 2008, Việt Nam còn lãnh thêm áp lực lạm phát ngoại nhập là giá thương phẩm và lương thực đều tăng. Vì vậy, Việt Nam gặp hai yêu cầu trái ngược là vừa kềm hãm lạm phát vừa đạt tốc độ tăng trưởng cao mà tăng trưởng lại là ưu tiên của lãnh đạo.

- Thế rồi, vào đúng lúc đó, thế giới lại bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và ưu tiên là tăng trưởng khiến Việt Nam lại áp dụng bài bản Trung Quốc là bơm tiền vào kinh tế để kích thích sản xuất. Nhưng lại còn hơn Trung Quốc là với số lượng kích cầu cao gần gấp rưỡi so với Tổng sản lượng, bằng 22% GDP! Người thiếu kinh nghiệm cứ thường hay quá khích như vậy...

Vũ Hoàng: Như vậy, trên đại thể thì ta có thể hiểu ra vì sao Việt Nam đang bị  nguy cơ lạm phát cao nhất các nước trong khu vực. Nhưng vì sao cùng lúc đó Việt Nam lại bị khủng hoảng về ngoại hối, hoặc vì sao Việt Nam lại bị nhập siêu đến nỗi dự trữ ngoại tệ cứ hao hụt dần?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau khi phân tích nguyên nhân từ tâm lý đến chính sách của vụ khủng hoảng hiện tại, ta mới nhìn vào sự non yếu của cơ chế kinh tế, cũng xuất phát từ chính sách.

- Nguồn tín dụng bơm ra để kích cầu đã tạo ra một sức hút đáng kể về nhập khẩu trong khi xuất khẩu không tăng cùng nhịp độ, vì vậy mới có nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất. Nhưng, trong cơ chế kinh tế bất thường của xứ này có một khu vực gọi là chủ lực lại giữ ví trí chuyển lực như sợi dây cua rua trong một bộ máy, là các doanh nghiệp nhà nước. Chính doanh nghiệp nhà nước thu hút nhiều tài nguyên nhất và thay vì trút vào các dự án sản xuất lại dồn qua thị trường đầu cơ tài chính và bất động sản. Một thí dụ điển hình mà không duy nhất là việc Tập đoàn Vinashin đã hút tiền và đẩy qua những ngành không thuộc diện sản xuất chủ yếu của mình.

000_Hkg4609867-250.jpg
Giao dịch tiền đồng tại một ngân hàng ở Hà Nội. AFP PHOTO.
- Sự non yếu thứ hai, cũng thuộc về chính sách, là người ta không chỉ nhập khẩu để chế biến và tái xuất khẩu mà còn nhập nhẩu nhiều hơn nhu cầu chế biến đó. Thí dụ ai cũng nghĩ ra là khi Việt Nam mua vào các linh kiện điện tử để ráp chế và bán ra ngoài, vậy mà số mua lại cao hơn số bán tới 40% nên gây ra nạn nhập siêu rất lớn. Trung bình mỗi tháng Việt Nam bị nhập siêu mất khoảng một tỷ đô la. Trong hiện tượng nhập cảng thả giàn này ta còn thấy ra việc mua vào rất nhiều loại xa xỉ phẩm đắt tiền mà chỉ một thiểu số có tiền và có quyền mới có thể hưởng.

Vũ Hoàng: Xin hỏi ông ngay một câu rất nóng hổi của thời sự. Trong mấy năm đầy biến động như vậy vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại xuất khẩu vàng qua Thụy Sĩ lên tới mấy tỷ đô la dưới dạng vàng trang sức để họ đúc thành vàng thỏi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là do nhiều lỗ hổng trong cơ chế kinh tế quá thô thiển. Nếu xuất khẩu vàng dưới diện trang sức lại được miễn thuế so với 10% thuế suất đánh trên vàng thoi thì nhiều doanh nghiệp có thể kéo vàng thành dây rất thô sơ để bán ra dưới dạng vàng trang sức cho bên kia mua vào và đúc lại thành vàng thoi! Nhà nước thì coi đó là thành tích xuất khẩu được gần ba tỷ đô la nữ trang! Đơn giản như vậy thôi mà cũng giúp nhiều người thu vào mấy trăm triệu một năm, cho tới khi nhà nước biết ra thì quá trễ! Sự non yếu của nhà nước có thể thấy ra từ thí dụ kỳ lạ như vậy, cho tới khi phải đột ngột ra lệnh cấm luôn cả việc buôn bán vàng thoi!

Kịch bản đáng sợ

Vũ Hoàng: Trở lại chuyện tương lai, chính quyền Việt Nam đang ráo riết đối phó với nguy cơ lạm phát, liệu việc đó có thành hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau hàng loạt biện pháp vừa qua, tôi chưa tin rằng ưu tiên sẽ là ổn định vật giá mà vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng. Đây là một kịch bản rất đáng sợ.

- Thứ nhất, Việt Nam có ban hành nhiều biện pháp kềm hãm tín dụng qua các loại lãi suất và dự trữ pháp định, nhưng tới 45% tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tay các ngân hàng của nhà nước và vì các ngân hàng này bị chi phối bởi chính sách nhà nước thì biện pháp tiền tệ như tại các xứ khác vẫn không có hiệu quả. Song song cùng các khí cụ đòn bẩy như lãi suất, Việt Nam vẫn phải điều tiết ngân hàng bằng thông tư hành chính, với hiệu quả rất thấp.

Sau hàng loạt biện pháp vừa qua, tôi chưa tin rằng ưu tiên sẽ là ổn định vật giá mà vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng. Đây là một kịch bản rất đáng sợ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Việc thứ hai là yếu tố lạm phát ngoại nhập. Giá thương phẩm và nông sản đang tăng trên thế giới nên phần nào có lợi cho nông gia và giới xuất khẩu nông sản như gạo, cao su, cà phê, hạt điều nhưng lại gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất khác. Ngân sách Việt Nam không thể tiếp tục trợ giá năng lượng như điện và xăng dầu nên phải cho tăng giá và sẽ còn tăng nữa.

- Chuyện thứ ba là Việt Nam đã và sẽ còn phải phá giá đồng bạc so với đô la Mỹ, vốn dĩ xuống giá khắp nơi trừ tại Việt Nam. Khi phá giá như vậy, ngành du lịch có thể kiếm lợi và vì vậy lại hút thêm đầu tư nước ngoài vào khách sạn và đẩy tiếp nạn bong bóng địa ốc trong khi các ngành khác đều bị điêu đứng vì phá giá cũng gây ra lạm phát. Một trong những nơi bị chấn động nặng nhất chính là thị trường chứng khoán của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chỉ số VN-Index ở trong Nam sẽ rớt xuống "thực giá" của nó là giữa 350 đến 450 điểm, và tác động thực tế thì không nhiều nhưng về tâm lý lại lớn hơn và càng dễ gây ra phản ứng hốt hoảng. Tức là sau mấy năm lạc quan hồ hởi, người ta sẽ lại bi quan hốt hoảng, là điều cực bất lợi cho kinh tế và là một thách đố lớn về chính sách.

Vũ Hoàng: Như vậy, liệu Việt Nam có gặp một vụ khủng hoảng như các nước Đông Á thời 97-97 không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhiều người lạc quan thì không tin vào kịch bản đó. Bản thân tôi thì không được như vậy mà không phải vì hiệu ứng của thiên tai vừa xảy ra tại Nhật Bản dù sao chưa gây tai hại cho Việt Nam như cho nhiều nước khác trong khu vực.

- Lý do thận trọng là người ta chưa thấy ra quyết tâm ổn định vật giá so với ưu tiên của chế độ vẫn là đạt mức tăng trưởng cao. Chúng ta có thấy điều ấy ở chi tiêu tăng trưởng là từ 7 đến 7,5% trong kế hoạch kinh tế năm năm.

- Thứ hai là ngay trong cách đối phó với nạn lạm phát, người ta vẫn thấy một sự bất nhất, thiếu phối hợp và nguy hiểm nhất là sự cám dỗ của giải pháp bao cấp năm xưa. Tức là trở lại chế độ kiểm soát giá cả và giao dịch như ta đã thấy trên thị trường vàng và đô la. Việc kiểm soát duy ý chí như vậy không công hiệu, gây ra tham nhũng buôn lậu và càng dội ngược vào bội chi ngân sách, sau cùng còn gây ra sức bật của thị trường, là làm cho lạm phát còn bùng nổ dữ dội hơn.

- Nói vắn tắt lại, người ta chỉ tin tưởng là Việt Nam đã trưởng thành khi cải tổ cái mấu chốt của cơ chế là hệ thống doanh nghiệp nhà nước bất lực và bất công và khi nhà nước chấn chỉnh được hệ thống chi tiêu và khả năng quản lý của mình. Trong khi chờ đợi thì nên lo nhiều hơn mừng.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa đã dành cho đài Á châu Tự do cuộc phỏng vấn này.


Category: Việt Nam ngày nay | Views: 481 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0