Việt
Nam mới đây đã kết án tù một số người bất đồng chính kiến, trong đó có
hai nhà hoạt động từng tu nghiệp ở các nước có nền dân chủ phát triển
trên thế giới. Bản án đã khiến một số nước và tổ chức lên tiếng phản
đối, cũng như khiến các nhà quan sát đặt dấu hỏi quanh vấn đề tận dụng
chất xám của những người từng đi du học ở nước ngoài. Trong chuyên mục
‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của
Nguyễn Trung với tiến sĩ Lê Sĩ Long, Giám đốc Sáng kiến Quốc tế về
Chương trình nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Houston, người cho rằng
Việt Nam đang tìm cách ‘cải tạo’ các du học sinh.
Tiến sĩ Lê Sĩ Long, Giám đốc Sáng kiến Quốc tế về
Chương trình nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Houston
Tiến sĩ Lê Sĩ Long nhận định rằng nền kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa được khởi xướng ở Việt Nam đầu những năm 90
"không những thu hút được dòng vốn nước ngoài, mà còn giúp mở cửa giáo
dục cũng như mang lại những luồng thông tin, và văn hóa từng bị nhà
nước cấm”.
Ông cũng cho rằng "cuộc hôn phối giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa
tư bản” là điểm khởi đầu quan trọng nhằm đánh giá tư tưởng chính trị
của thế hệ sinh ra sau Chiến tranh Việt Nam.
Theo ông Long, giới trẻ ở Việt Nam "đã và đang dần tách rời các tư
tưởng cách mạng để hướng tới chủ nghĩa cá nhân trọng kinh tế và mang
tính thực dụng hơn”.
Họ cũng biết tận dụng các cơ hội do tiến trình "mở cửa đất nước” mang
lại, mà rõ nhất là việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến.
Tuy nhiên, "trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về tự do ngôn luận”, ông
Long đặt câu hỏi về khả năng ‘các kiến thức họ thu nhận được mang lại
một sự thay đổi ở Việt Nam’.
"Việt Nam đặt trọng tâm phát triển một hệ thống giáo dục đẳng cấp
quốc tế cũng như tăng cường nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài,
nhưng lại áp đặt các hạn chế. Chính quyền không muốn các thanh niên
được đào tạo ở nước ngoài sử dụng các kiến thức nhằm thách thức hệ
thống chính trị độc đảng. Trong một hai năm qua, dường như chính phủ
tìm cách khống chế điều này cũng như hạn chế các phương thức giao tiếp
với thế giới bên ngoài, như Internet nói chung và Facebook nói riêng.
Theo tôi, hệ lụy của điều này là, chính quyền không tận dụng hết chất
xám của những người từng đi du học”.
Gần đây, theo ông Long, Việt Nam dường như đang tìm cách ‘cải tạo’ các
cá nhân từng đi du học và có tư tưởng ủng hộ thay đổi hệ thống chính
trị, điển hình là luật sư Lê Công Định, hay blogger Nguyễn Tiến Trung.
Ông Long cho rằng, điều đó dẫn tới các hệ quả như "chảy máu chất xám và cản trở tiến trình dân chủ hóa” Việt Nam.
Từ các nghiên cứu của mình, ông Long nói với VOA Việt Ngữ rằng, "nhiều
sinh viên Việt Nam theo học ở Hoa Kỳ và lĩnh hội được một số các giá
trị dân chủ không muốn quay trở về vì chưa hợp thời”.
"Hành động trấn áp của chính phủ Việt Nam dù ít dù nhiều sẽ phát đi
một thông điệp tới thế hệ trẻ, các du sinh rằng, họ có thể đi học ở
nước ngoài, nhưng chính quyền sẽ đảm bảo rằng họ không thể sử dụng kiến
thức để chống lại nhà nước độc đảng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc
có các thanh niên tìm cách ở lại nước ngoài để phát triển sự nghiệp cho
tới khi nào Việt Nam có biến chuyển thực sự. Tại Houston, nơi tôi giảng
dạy, nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình thạc sĩ kinh
tế nói với tôi rằng giờ không phải là lúc trở về và tạo nên một sự thay
đổi nào đó”.
Luật sư nhân quyền Lê Công Định, người từng giành học bổng Fulbright có
nhiều uy tín để lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Tulane Hoa Kỳ, mới bị kết án
năm năm tù giam vì tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong khi đó, thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung nhận mức án
bảy năm tù giam cũng với cáo buộc tương tự. Nhà hoạt động dân chủ trẻ
tuổi này từng đi du học theo một học bổng của chính phủ Pháp.
Tuy nhiên, khác với các nhà hoạt động dân chủ vừa kể, ông Long cho rằng
cũng có nhiều du học sinh không muốn chỉ trích chính quyền độc đảng vì
họ là người từng ít nhiều hưởng lợi từ hệ thống đó, và "họ không muốn
gây rắc rối cho gia đình và người thân ở Việt Nam”.
Ngoài ra, tiến sĩ này nhận định rằng các thanh niên trong nước ‘ngày
càng có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, hưởng thụ và không màng tới chính
trị’.
"Tại Việt Nam, các thanh niên ít tham gia các hoạt động chính trị
bởi lẽ họ sẽ phải đối mặt với các hình phạt quá nặng nếu họ lên tiếng
phản đối hệ thống chính trị độc đảng. Ngoài ra không có nhiều lựa chọn
để lên tiếng kêu gọi cải cách dân chủ. Theo tôi, họ muốn chờ đợi thời
cơ chứ không muốn dính vào vòng lao lý như Lê Công Định, hay Nguyễn
Tiến Trung. Những hạn chế trong tiến trình dân chủ hóa sẽ cản trở người
dân đóng góp vào sự phát triển xã hội, nhất là từ Việt Kiều. Tiến trình
này càng kéo dài, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu so với các nước trong
khu vực”.
Các số liệu cho thấy, hơn một nửa dân số Việt Nam là thanh thiếu niên,
đa số được sinh ra sau khi Chiến Tranh Việt Nam kết thúc.
Tiến sĩ Lê Sĩ Long nhấn mạnh rằng bản thân các tổ chức sinh viên hoạt
động theo đường lối của nhà nước ở Việt Nam đã khiến những người trẻ
tuổi "không thể tiến hành các phong trào chính trị cấp tiến cũng như
thể hiện tinh thần dân tộc như từng thấy ở Hàn Quốc, Indonesia hay
Malaysia”.
Nguồn: VOA
|