Nhờ
phiên xử thô bạo của toà án nhân dân Hà Nội với Ts. Cù Huy Hà Vũ, phong
trào đấu tranh chống chế độ độc tài, tham ô và bất công đã lên cao
nhanh chóng và mạnh mẻ ở ngoài và trong nước. Qua vụ án này, dư luận
Việt Nam cũng như quốc tế đã có đủ yếu tố để có một thái độ dứt khoát
hơn với đảng cầm quyền độc tài CSVN -- một điều mà các tổ chức đấu
tranh dù có cố công thực hiện cũng không thể nào đạt được kết quả tốt
đẹp như vậy. Rõ ràng là các nhà đấu tranh phải cần cảm ơn Toà án Nhân
dân Hà Nội!
Nay là thời điểm mà 36 năm trước (30/4/1975) xe tăng
Cộng sản Bắc Việt đã cán sập cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu ngày chấm dứt
nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Trong hơn ba thập niên qua, nhiều nỗ lực đấu tranh
dưới nhiều tầm vóc và hình thức khác nhau đã được thực hiện, từ vũ
trang đến chính trị. Tuy nhiên trong thực tế, phần lớn sự suy yếu của
chế độ, có nghĩa là sự thuận lợi của phong trào đấu tranh giải Cộng,
lại xuất phát từ chính những chính sách, hành động phản dân, hại nước
của đảng cầm quyền. Trong lần này, đảng CSVN đã tự phá vỡ một thành trì
bảo vệ đáng kể nhất: sự trung thành của những người có công hay liên hệ
mật thiết với chế độ. Trường hợp Ts Hà Vũ là một điển hình.
Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ không phải là người trực tiếp có công với đảng cầm
quyền, nhưng thân sinh Ông là người gắn liền với thế hệ đầu tiên khởi
công xây dựng chế độ. Bản thân Ông, đúng ra cũng có thể là một thứ
"Thái Tử" nào đó, có thể có tương lai không kém gì Nông Quốc Tuấn (con
ông Nông Đức Mạnh) hay Nguyễn Thanh Nghị (con ông Nguyễn Tấn Dũng). Dù
không tham chính, Ts Hà Vũ cũng có đầy đủ điều kiện để thành công to
lớn và có địa vị đáng kể trong xã hội, nhất là bên cạnh Ông còn có
người vợ trí thức đồng tâm là nữ Luật sư Nguyễn thị Dương Hà, và em
ruột là nữ luật sư Cù thị Xuân Bích. Nhưng trước thực trạng đáng "bức
xúc" của đất nước, Ông đã hành xử đúng theo tinh thần của người trí
thức có lương tâm và trách nhiệm: lên tiếng cho nhân quyền, lẽ phải và
sự công bằng. Hệ quả của việc làm đáng trân trọng đó là Ông bị tuyên án
7 năm tù giam, cộng 3 năm quản chế.
Nhìn từ góc cạnh nhân quyền
bình thường, dư luận trong và ngoài nước, kể cả phía quốc tế, đều đã
lên án vụ án phản nhân quyền này một cách mạnh mẽ.
Nhìn một cách
sâu sắc hơn nữa về mặt chính trị, người ta còn thấy được vụ án này đã
mặc nhiên giúp phá vỡ những chướng ngại tâm lý vốn tồn đọng từ nhiều
năm qua. Đó là một số thành kiến sai lầm giữa Bắc và Nam, cũng như giữa
Cộng Hòa và Cộng sản. Nhờ sự lên tiếng mạnh dạn, bộc trực của Ts. Hà
Vũ, nhiều ranh giới tâm lý đã được hoá giải, giúp cho các thành phần
dân tộc đứng gần với nhau hơn trên trận tuyến đấu tranh giải trừ nạn
độc tài, tham ô và bất công đang hoành hành ở nước ta.
Một điểm
quan trọng khác là thái độ bất khuất, anh hùng của Ts Hà Vũ trong suốt
thời gian trước khi bị bắt, khi bị giam, và ngay cả lúc đối diện với
hội đồng xét xử. Thái độ không nhận tội hay đầu hàng chế độ độc tài của
Ông đã giúp phục hồi niềm tin đối với thành phần trí thức của nhiều
giới đồng bào, kể cả tập thể đồng bào tỵ nạn CS đang sinh sống ở ngoài
nước.
Thái độ dấn thân và chấp nhận hy sinh của Ts Hà Vũ đặt các
tầng lớp trẻ, đặc biệt là lớp trí thức, vào một hoàn cảnh phải có thái
độ rõ ràng hơn. Tại sao một người trí thức, là con cái gia đình công
thần của chế độ, mà còn dám xông pha đấu tranh, bất chấp sự thiệt hại
cho bản thân và gia đình? Nếu thái độ của Ts Cù Huy Hà Vũ là đúng, thì
những người trí thức khác đứng ở vị trí nào trong công cuộc đối đầu với
độc tài, tham ô và bất công? Một thách thức tự nhiên rất hợp lý.
Nhưng
tất nhiên, riêng sự dấn thân của Ts Hà Vũ chưa đủ để khơi dậy hào khí
đấu tranh, nếu như không có phiên toà thô bạo, phi lý #4411 (04/04/11).
Bản án 7 năm tù + 3 năm quản chế dành cho một người trí thức trẻ đấu
tranh chống độc tài, tham ô và bất công một cách ôn hoà, đặc biệt là
với một trình tự xử án vi luật, vi hiến nghiêm trọng... đã châm ngòi
cho hàng chuỗi sự lên án, chống đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ông
thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (Chủ toạ Hội đồng Xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ)
thật ra cũng chỉ là một nạn nhân của chế độ, phải thừa hành lệnh Bộ
Chính trị đảng CSVN để tuyên án TS Hà Vũ. Đối tượng đáng nguyền rũa là
đảng CSVN -- tác giả của bản án tiền chế.
Trong những năm gần
đây, hàng ngũ cán bộ, công an CSVN đã vô tình tiếp tay cho phong trào
đấu tranh chống chế độ bằng chính những hành động ngu xuẩn, bất nhân,
phi lý.... tiếp tục xảy ra từ Bắc chí Nam.
Những vụ công án đánh
đập, giết người vô cớ; những vụ án thô bạo, bất công; những lời tuyên
bố vô liêm sĩ, trái đạo đức từ những người có chức vụ lãnh đạo cao nhất
cho đến những tên công an ngu dốt và tàn ác... đã mặc nhiên giúp cho
chính nghĩa đấu tranh giải thể chế độ Cộng sản được sáng ngời thêm.
Vụ
án xử Ts Cù Huy Hà Vũ là một vụ án lịch sử, đánh dấu một giai đoạn đấu
tranh quyết liệt giữa Dân chủ với Độc tài, giữa Thiện với Ác, và giữa
Lẽ phải với Bất công.
Đã đến lúc để người Việt Nam ở trong và
ngoài nước đồng tâm đẩy mạnh công cuộc đấu tranh giải trừ quốc nạn độc
tài, tham ô và bất công ở nước nhà với lời dạy bất hủ của cụ Nguyễn
Trãi: Đem Đại Nghĩa để thắng hung tàn, lấy Chí Nhân mà thay cường bạo.
Xin
cảm ơn Toà Án Nhân Dân Hà Nội đã giúp thể hiện rõ nét hơn bản chất của
chế độ độc tài và làm sáng ngời thêm chính nghĩa đấu tranh giải Cộng!
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
|