Ngô Nhân Dụng
Người Trung Quốc có vẻ khiêm tốn hơn trước. Hoàn Cầu Thời Báo (Global
Times) là một tạp chí vẫn được coi là một tiếng nói chính thức của đảng
Cộng Sản Trung Quốc, vào ngày 31 tháng 12 năm 2010 mới đăng kết quả một
cuộc nghiên cứu dư luận người trong lục địa. "Trung Quốc đã thành một
siêu cường,” câu đó đúng hay sai, chỉ có hơn 12% dân Trung Hoa đồng ý.
So với tỷ số hơn 14% trong cuộc thăm dò tương tự vào hai năm trước thì
họ đã khiêm tốn hơn lắm rồi. Trước lời phát biểu: "Trong số 4 nước lớn
đang lên là Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc, (khối BRIC) thì Trung
Quốc có thế lên mạnh nhất,” năm nay có chỉ 57% người Tầu đồng ý, so với
kết quả cuộc thăm dò năm ngoái đã tụt mất 10%.
Trong khi chỉ có 12% nghĩ Trung Quốc đã là một siêu cường thì có tới
34% nghĩ là không. Như vậy tức là trong số con cháu ông Mao Trạch Ðông
số người khiêm tốn đông gần gấp ba số người kiêu ngạo. Tuy nhiên, cũng
trước câu hỏi đó, lại có tới 53% người trả lời rằng lời phát biểu trên
"không hoàn toàn đúng.” Tức là cũng hơi hơi đúng. Cộng 53% với 12% thì
có tới 65% con cháu Tần Thủy Hoàng trong lục địa nghĩ rằng nước họ đáng
coi là một siêu cường, hay gần gần siêu cường rồi! Cuộc nghiên cứu cũng
cho biết có 80% người Trung Hoa nghĩ rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu
"Made in China” càng ngày càng được tin tưởng hơn về phẩm chất.
Không biết chúng ta có nên tin vào phẩm chất hàng hóa Made in China hay
không, nhưng một mối lo cho người tiêu thụ, là những món hàng đó không
biết món nào thật, món nào giả. Có những món hàng giả "giống như thật,”
rất khó phân biệt. Có một món đang bị người Việt Nam nghi ngờ hàng giả,
chính là các bài in trên Hoàn Cầu Thời Báo!
Một bài phỏng vấn đăng trên mạng báo này trước đó có 3 ngày, ngày 28
tháng 12 đang bị một người Việt tố cáo là nói láo. Người đấm ngực kêu
oan vì bị báo này xuyên tạc là ông Nguyễn Huy Quý, nguyên giám đốc Phân
Viện Nghiên Cứu Trung Quốc thuộc Học Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Câu
chuyện bài phỏng vấn ông Nguyễn Huy Quý trên Hoàn Cầu Thời Báo đã làm
sôi nổi dư luận mạng ở Việt Nam suốt tuần qua sau khi các mạng lưới Bô
Xít Việt Nam, Blog Nguyễn Xuân Diện và X-Caf, vân vân đưa bản dịch bài
phỏng vấn này lên mạng.
Bài phỏng vấn cho thấy tờ báo gán cho ông Nguyễn Huy Quý nhiều câu trả
lời hoàn toàn giống lập trường người Trung Hoa. Ðối với người Việt Nam,
nhiều ý kiến có thể nói là "phản quốc!” Trên các mạng lưới đã có những
phản ứng dữ dội. Nhiều độc giả gọi ông Quý bằng những tiếng thô tục mà
chúng tôi xin phép không nhắc lại. Có người gọi ông là "trí nô,” (trí
thức nô lệ), rồi quơ tay vơ một nắm: "Loại giáo sư quốc doanh hay thứ
‘trí nô’ này ở ta hiện hơi bị nhiều. Không biết con, cháu và lớp hậu
sinh của bậc ‘trí nô’ này có thấy nhục nhã và xấu hổ thay cho ông ta
không nhỉ?”
Trong bài phỏng vấn của Hoàn Cầu, ông Quý nói: "Một số người Việt lưu
vong ở nước ngoài đang chống đối chính quyền hiện thời đã dùng tinh
thần dân tộc Việt Nam để cố tình khiêu khích những bất hòa giữa Việt
Nam và Trung Quốc,” nhà phê bình Ðinh Kim Phúc hỏi: "Thưa giáo sư,
những 'bất hòa giữa Việt Nam và Trung Quốc' là những bất hòa gì?...
Lãnh thổ của ta, đảo của ta, biển của ta nhưng hàng trăm ngư dân Việt
Việt Nam đang bị Trung Quốc cầm tù khi họ đang kiếm sống ngay chính
trên quê hương của họ thì xin ông ông hãy thử gọi tên nó là gì, thưa
ông?” (Ý nói: Sao lại chỉ gọi đó là "bất hòa?”) Ông Phúc báo động nếu
ai cũng suy nghĩ như ông Quý thì không bao xa Việt Nam sẽ chịu chung số
phận với Tây Tạng và Tân Cương.
Sau khi nhắc lại những lời của ông Quý như, "Trung Quốc và Việt Nam có
nhiều yếu tố giống nhau: cùng một văn hóa, cùng nguồn gốc [?]và từng là
đồng chí của nhau. Ðây là nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước,” ông
Ðinh Kim Phúc phê bình nặng hơn, "...tôi không thấy ở ông trình độ của
một giáo sư Trung Quốc học, mà chỉ là những lý sự cùn của một thằng
Việt gian...” Chắc ông Ðinh Kim Phúc từng đọc kỹ Hoàn Cầu Thời Báo từ
lâu nên ông mới hỏi ông Quý rằng: "Cũng trên mạng Hoàn Cầu, họ chửi
tôi, chửi giáo sư, chửi hơn 3 triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam, chửi
cả dân tộc Việt Nam là đồ chó, giáo sư không thấy nhục sao?”
Tất nhiên là phải thấy nhục. Ai đặt mình vào địa vị ông Nguyễn Huy Quý
cũng phải thấy nhục. Cho nên ông lên tiếng minh xác: Tờ Hoàn Cầu Thời
Báo nói láo!
Tựa đề bài của ông nói nhẹ nhàng hơn, ông bảo đây là một "bài học cảnh
giác” rút ra sau cuộc phỏng vấn. Bài được ông gửi cho mạng Blog Nguyễn
Xuân Diện rồi được đăng trên các mạng khác. Ông Nguyễn Huy Quý kể rằng
ông không hề được Hoàn Cầu Thời Báo mời gặp để phỏng vấn, "Thực ra, đây
không phải là bài ‘trả lời phỏng vấn!’” Tháng trước, theo lời ông Quý,
phái viên báo Nhân Dân (Trung Cộng) ở Hà Nội, tên là Lưu Cương, đã hẹn
gặp, nhưng khi tới gặp thì anh ta "đưa cả bốn, năm bạn đồng nghiệp, nói
là phóng viên của Hoàn Cầu Thời Báo vừa đi du lịch ở Campuchia, mới ra
Hà Nội hôm qua.” Thế là ông Quý ngồi chuyện trò với họ. Ông là người
chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, tự nhiên được gặp người Trung Quốc thì
không phải sợ hãi gì cả! Không ngờ, một tháng sau đọc báo của họ, đọc
từ bản gốc (chữ Trung Hoa) "thì thấy phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo đã
dùng quan điểm của họ để viết bài nói là ‘trả lời phỏng vấn,’ có những
chỗ cực kỳ sai trái.”
Những chỗ nào là mạo lời ông làm cho ông mang tiếng là "cực kỳ sai
trái?” Ðiều đầu tiên là Hoàn Cầu Thời Báo đã gán cho ông Quý nói "Văn
hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc đồng nguyên.” Ông giải thích: "‘Ðồng
nguyên’ có nghĩa là chung một nguồn gốc. Từ đó có thể suy ra văn hóa
Việt Nam là từ văn hóa Trung Quốc mà ra.” Ông Quý khẳng định: "Ðó là
một sự xuyên tạc lịch sử, và là một sự xúc phạm dân tộc. Tôi và các học
giả Việt Nam không bao giờ dùng từ ‘đồng nguyên’ trong quan hệ văn hóa
Việt-Trung.”
Những người phản đối ông Quý có thể yên tâm hơn sau khi ông đã xác định
không hề nói văn hóa Việt Nam từ Trung Quốc mà ra. Ðiểm thứ nhì ông Quý
cải chính là "Hoàn Cầu Thời Báo áp đặt câu nói của họ thành câu nói của
tôi 'các thế lực bên ngoài không hề có liên quan đến vấn đề Nam Hải bắt
đầu xâm nhập, tạo ra mâu thuẫn Việt - Trung'...” Nghe ông Quý nói như
vậy, ai cũng nghĩ là ông đang chối bỏ hết cả những chuyện Trung Quốc đã
làm, thí dụ như đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm nhiều đảo ở
Trường Sa sau đó. Nhưng, một lần nữa, ông Quý bảo ông không nói như thế!
Một câu "kinh khủng” khác mà Hoàn Cầu Thời Báo đặt vào miệng ông Quý
là: "Tôi tin tưởng 100% rằng Trung Quốc hiện nay không, sau này mạnh
lên cũng sẽ không xâm lược bất cứ nước nào mà Trung Quốc công nhận.
Nhưng, đối với các nước có vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc,
thì... nếu một ngày đó xảy ra xung đột với Trung Quốc, thì đó không
phải là xâm lược, mà là hành động của Trung Quốc nhằm thu hồi chủ
quyền!” Ông Quý phải la Trời lên: "Có người Việt Nam nào, dù là bất cứ
ai, lại cho rằng giả thiết một ngày nào đó Trung Quốc đánh chiếm Trường
Sa là ‘lấy lại chủ quyền’ chứ không phải là xâm lược?”
Thôi, chúng ta có thể yên tâm, ông Nguyễn Huy Quý cũng là một người
Việt Nam yêu nước như mọi người. Giữa một bên là ông Quý, bên kia là
các phóng viên Hoàn Cầu Thời Báo thì chắc chắn tôi muốn tin một người
Việt Nam hơn. Một điều chúng ta không hiểu là tại sao suốt một đời
nghiên cứu về nước Tầu, năm nay gần 73 tuổi mà một học giả như ông
Nguyễn Huy Quý lại để cho các bạn đồng nghiệp của tôi từ Bắc Kinh qua,
cho ông "vào xiếc” một cách dễ dàng như vậy? Tại sao hẹn gặp một phóng
viên Nhân Dân Nhật Báo mà lại biến thành một cuộc phỏng vấn không hẹn
trước với Hoàn Cầu Thời Báo?
Một nhà xã hội học nổi tiếng ở Trung Quốc gần đây là ông Phí Hiếu
Thông, chắc chắn ông Quý phải đọc nhiều rồi. Trong một cuốn sách Hương
Thổ Trung Quốc, đoạn nói về đặc tính của văn minh Trung Hoa khác với
Tây phương, Phí Hiếu Thông đã đưa ra một thí dụ rất vui. Nếu bạn mời
một người Anh tới nhà ăn cơm tối, rồi bảo: "Mời cả gia đình anh, chị
cùng tới cho vui,” thì bạn có thể biết chắc tối đa sẽ có mấy thực khách
đến ăn: Vợ, chồng, con cái. Nhưng nếu bạn nói cùng một câu đó mời một
người Trung Hoa thì không thể biết được bao nhiêu người sẽ tới. Ngoài
vợ chồng con cái ra, có thể họ đem theo cả cha mẹ, bên nội bên ngoại,
anh chị em! Chưa hết, nếu có một người bạn thân đến thăm họ bữa đó, họ
vốn coi bạn thân như người trong gia đình, họ sẽ đem tới một cách rất
tự nhiên không thắc mắc gì cả. Mà nếu đã coi một người bạn thân như
trong gia đình, thì một người bạn khác của anh bạn đó, và vợ con anh ta
nữa, cũng phải coi như trong gia đình nốt, làm sao tránh được? (Cuốn
Hương Thổ Trung Quốc bản tiếng Anh, "From The Soil,” do Gary G.
Hamilton and Wang Zheng dịch, Ðại Học Berkeley ấn hành).
Có lẽ nhà báo Lưu Cương đã theo đúng lối người Trung Hoa khi đem theo
bốn năm đồng nghiệp trong tờ Hoàn Cầu Thời Báo đến gặp ông Nguyễn Huy
Quý. Có thể các phóng viên người Trung Quốc ở Việt Nam đã lâu vẫn quen
coi ông Quý như người nhà, người trong gia đình. Các đồng nghiệp của
Lưu Cương họ cũng thân nhau "như trong gia đình.” Thế là họ cũng coi
ông Quý như "người nhà” nốt! Người trong nhà thì "anh em chín bỏ làm
mười,” ông Quý nói gì họ thuật lại, có thể nào cải chính được?
Tình trạng từ địa vị hàng xóm bỗng trở thành "người nhà” có thể diễn ra
từ từ, như tầm ăn dâu vậy. Một nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc, lại
là viện trưởng cái cơ quan làm công việc đó, dù ông sống ở bất cứ nước
nào, ông cũng phải được các "đồng chí Trung Quốc” chiếu cố, nâng niu.
Thế nào họ cũng mời các nhà nghiên cứu như ông sang Tầu nghiên cứu tại
chỗ nhiều lần. Cái tài chiêu đãi khách phương xa của các người Trung
Quốc xưa nay vẫn nổi tiếng. Họ sẽ cung cấp đủ thứ cho các đồng chí Việt
Nam để quý khách được hoàn toàn "khoái lạc” (khi người mình nói hạnh
phúc thì người Trung Hoa gọi là khoái lạc). Hữu bằng tự viễn phương
lai, bất diệc lạc hồ? Ðức Khổng Tử chẳng đã nói tới chữ LẠC hay sao?
Vì tình anh em keo sơn như thế cho nên ông Nguyễn Huy Quý chỉ cải chính
vài ý kiến mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng, nói không phải ý của ông. Còn
rất nhiều ý kiến khác, ông chưa cải chính. Thí dụ, ông đã phê phán lập
trường của chính quyền Việt Nam đối với các tranh chấp ở Trường Sa là
"quá đáng” và "quá cứng rắn.” Ông nhắc đi nhắc lại điều may mắn là cả
hai nước do hai đảng Cộng Sản cai trị và ông công nhận, "Tư tưởng xã
hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam thì có lợi cho Trung Quốc,” mà không
nói có hại cho Việt Nam hay không. Ông ví quan hệ Trung Quốc Việt Nam
cũng giống như giữa nước Anh và nước Mỹ, mà ông nói thêm hai nước đó
vốn cùng một chủng tộc. Ví von như thế thì có phải là "đồng nguyên” như
Anh và Mỹ hay không? Ông Quý giải thích việc Việt Nam bãi bỏ dự án tàu
cao tốc Bắc Nam trị giá 56 tỉ đô la: "Một số báo chí nói rằng Việt Nam
không muốn hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng đường sắt cao
tốc. Trên quan điểm của tôi, dự án này bị bác bỏ không phải vì Việt Nam
không tin Trung Quốc.” Ông còn tự đứng làm đại diện cho 86 triệu người
Việt Nam tuyên bố: "Trong trái tim người Việt, đặc biệt là cấp lãnh
đạo, mọi người luôn mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc. Quan
hệ (với Trung Quốc) tốt đẹp hơn... còn giúp Việt Nam giữ vững hệ thống
của mình.” Tức là hệ thống chính quyền cộng sản tồn tại ở Việt Nam là
trông cậy vào Trung Quốc.
Khi ông Quý nhân danh cả dân tộc Việt Nam nói như vậy, trách chi các
đồng chí Trung Quốc không coi ông như "người nhà!” Bài học "cảnh giác”
cần "ghi chép vào vạt áo” là chơi với các đồng chí Trung Quốc phải cẩn
thận.
Hồ Chí Minh đã nêu lên khẩu hiệu "Trước là đồng chí sau là anh em.” Câu
nói đó bây giờ vận vào đảng Cộng Sản Việt Nam và vào cá nhân ông Nguyễn
Huy Quý. Chơi với các đồng chí Trung Quốc rất nguy hiểm. Tử tế với họ,
không biết lúc nào họ bắt mình phải làm anh em, làm người nhà của họ.
Cứ như thế lâu dần họ sẽ coi mình như "người làm,” bảo sao nghe vậy. Họ
mời mình ăn mãi, có lúc họ đem nhét vào miệng mình những câu nói chính
mình cũng không ngửi được!
Ngô Nhân Dụng
http://www.nguoi-viet.com
|