Năm hết Tết đến, được nghe ngài Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị huấn thị: "Đừng biếu quà Tết ai, đừng để ai biếu mình”. Ôi chao, liêm khiết quá, liêm khiết quá! Không rõ ngài Nghị leo lên được cái chức vụ béo bở, đè đầu cưỡi cổ cả mấy triệu con người Thủ đô, lại còn có chân trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thì phải tốn hết bao nhiêu nhỉ? Ngài không nhận quà của ai thì ngài lên làm Bí thư chả hoá ra chỉ để ngồi chơi xơi nước à? Anh Nguyễn Quốc Triệu năm xưa đang ung dung ở cái chức Chủ tịch Ủy ban thành phố Hà Nội màu mỡ là thế, bỗng nhiên bị hất cẳng, phải chạy chọt sang làm Bộ trưởng Bộ Y tế cũng còn mất 1.3 tỷ nữa là. Mà đó là theo lời anh Triệu tự bạch đấy nhé. Ngài Nghị chắc cũng không nằm ngoài quy luật ấy, sao còn giở giọng đạo đức giả vậy?
Cái khẩu hiệu "không biếu quà Tết” tôi nghe quen lắm rồi. Năm nào tổng kết cuối năm, chúc Tết đầu năm, lãnh đạo cơ quan tôi đều kết thúc bài diễn văn bằng việc dặn dò anh em "không được đi biếu quà Tết, lãnh đạo không nhận đâu”. Ấy thế mà nhà riêng của mấy thủ trưởng dù có xa xôi hẻo lánh đến đâu cũng vẫn tấp nập nhân viên đến như trẩy hội mỗi dịp Xuân về. Người sau chờ người trước ra để vào, anh nào anh nấy ôm một túi to, miệng thì tươi như hoa, ríu rít chúc sức khoẻ thủ trưởng, hy vọng sang năm mới được thủ trưởng đoái thương chia sẻ cho chút dự án. "Ước gì, anh lại trúng được thầu” là câu hát đầu năm mà hẳn công chức nào cũng thuộc.
Ngài Nghị còn dõng dạc: "Những ngôi nhà bị cắt ngọn do xây dựng trái phép sẽ là biểu tượng về kỷ luật của Thủ đô”. Thủ đô ta hết biểu tượng đẹp rồi hay sao mà lại đi lấy mấy cái nhà xây dựng trái phép, mái nhà bị cắt, bê tông cốt thép bị chặt ngang, cọc nhọn còn tua tuả đâm lên trời ấy làm biểu tượng? Sao không thực thi kỷ cương ngay từ khi nhà còn chưa xây, mà lại cứ thi nhau ăn tiền của dân, để cho xây dựng tràn lan rồi mới đem máy ủi đến phá nhà người ta? Của đau con xót, chẳng lẽ ông Nghị không hiểu điều đó sao? Nếu theo cái lý của ông Nghị thì hẳn nước Mỹ này chẳng có biểu tượng nào về kỷ luật, vì tôi chưa thấy có ngôi nhà nào bị cắt ngọn ở đây cả.
Một người bạn của tôi làm trong công ty xây dựng, từng bị phân công vào đội "đền bù, giải phóng mặt bằng”, nói nôm na là đi lấy đất của dân để xây nhà cao tầng bán. Cậu ấy kể: "Quá đáng lắm, ai lại đền bù cho người ta số tiền chỉ bằng mấy bát phở cho một mét vuông đất ở ngay giữa Tây hồ. Họ đồng ý hay không cũng mặc. Tớ chỉ là lính tráng, làm theo lệnh trên mà cũng còn thấy vô lý, tội nghiệp cho người ta”.
Tôi đã xem những video ghi cảnh mấy cụ già nằm lăn ra thửa ruộng đầy bùn lầy, khóc lóc thảm thiết: "Ới trời cao, đất dày ơi…” khi mồ mả tổ tiên bị đào bới để lấy đất "phục vụ cho công trình quốc gia”. Trái tim tôi dường như bị ai đó bóp nghẹt và đêm ấy tôi không tài nào ngủ được, tự hỏi cái cảnh đó sao lại mâu thuẫn với khẩu hiệu "Dân cày có ruộng” đã lôi cuốn bao nhiêu triệu người Việt Nam tham gia Cách mạng với Việt Minh từ thế kỷ trước đến thế.
Không! Trời còn ở rất xa và đất thì không dày như dân ta từng nghĩ. Chỉ có lòng dũng cảm, sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam mới có thể phá được thứ gông cùm mà Đảng đang tròng vào cổ chúng ta. Tôi tin rằng, dù Việt Minh bắt đầu vị trí quyền lực của mình bằng cuộc cách mạng đất đai nhưng đến một ngày nào đó, chính vấn đề đất đai sẽ tạo nên cơn sóng gió làm lung lay quyền lực ấy. Chỉ khi nào người dân làm chủ vận mệnh của mình bằng một cuộc cách mạng khác thì khi đó, trời và đất mới thực sự thuộc về con cháu Tiên Rồng.