Greg Torode, South China Morning Post
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Ở Hà Nội, người ta gọi đó là "yếu tố Trung Quốc".
Khác biệt với những quốc gia Đông nam Á khác, ở Việt Nam, không một
quyết định quan trọng nào được đưa ra mà không phải suy tính về ảnh
hưởng của nó đối với mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ, các
quan chức và học giả cho biết.
Và điều này thậm chí ảnh hưởng đến giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản lẫn
chính phủ - những quyết định mà đảng sẽ đúc kết trong tuần tới trong kỳ
đại hội năm năm một lần.
Trong khi không thể đơn giản lựa chọn những ứng cử viên thân Trung
Quốc, với những căng thẳng an ninh khiến Hà Nội phải ve vãn kẻ thù thời
chiến tranh lạnh của mình là Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo tương lai cũng
chắc chắn sẽ không quá thù địch với Bắc Kinh.
"Những bài học lịch sử đã tạo ra một thực tế khó khăn cho chúng tôi,"
một quan chức Việt Nam nói gần đây. "Chúng tôi cần những người lãnh đạo
có thể đứng vững trước Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền nước mình. Nhưng
chúng tôi cũng cần có một quan hệ toàn diện và sâu sắc với Trung Quốc?
khi anh nhìn vào biên giới của chúng tôi, anh sẽ thấy chẳng có lối
thoát. Chúng tôi phải liên tục nghĩ đến chuyện cân bằng."
Bài học lịch sử ấy đã để lại những mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến quan hệ
hiện tại. Nhiều thế kỷ bị Trung Quốc đô hộ cùng những cuộc khởi nghĩa
của Việt Nam đã tạo ra những mối tương đồng về chính trị, văn hoá cũng
như một thái độ nghi ngờ sâu đậm của cả hai bên - những căng thẳng từng
bùng nổ thành một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào năm 1979.
Trong hoàn cảnh hiện tại, điều này có nghĩa là Hà Nội và Bắc Kinh - hai
quốc gia Cộng sản lớn nhất còn lại của thế giới sẽ tăng cường thiết lập
những quan hệ về chính trị, văn hoá và kinh tế. Hàng trăm phái đoàn -
từ công an mật vụ cho đến quan chức nông nghiệp - viếng thăm thủ đô
nhau hàng năm.
Tuy nhiên trong cùng lúc đó, Hà Nội đôi khi cũng làm Bắc Kinh cảnh
giác. Ví dụ như họ đã đóng vai trò then chốt trong việc giúp Washington
tiếp cận sâu hơn vào Đông nam Á qua tổ chức ASEAN - một hành động cho
thấy Việt Nam rất lo sợ về việc tăng cường quân sự của Trung Quốc cũng
như tình trạng tranh chấp trong vùng biển Đông ngày càng xấu đi.
Đại hội Đảng - thông thường là một màn kịch chính trị được sắp sẵn kỹ
lưỡng - sẽ không thảo luận chi tiết về những vấn đề này, như thay vì
thế những chính sách được đồng thuận cũng như sự thay đổi giới lãnh đạo
do 160 thành viên trong Uỷ ban Trung Ương soạn thảo ra một cách bí mật.
Với việc đảng vô cùng ưa chuộng sự tiếp tục và đóng băng trước sự thay
đổi hoặc bất cứ chuyển biến mạnh mẽ nào, không ai trông đợi một sự thay
đổi rõ rệt nào trong chính sách.
Việc đáng lưu ý nhất là sự thông qua ba vị trí cao cấp của Bộ Chính trị
gồm 15 thành viên để lãnh đạo đất nước trong năm năm tới.
Vị thủ tướng năng động Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, được trông đợi giữ
nguyên vị trí, nhưng sẽ phải làm việc với một Tổng Bí thư mới của Đảng
Cộng sản mới và một chủ tịch nước mới, giữ nguyên truyền thống lãnh đạo
tập thể ở Việt Nam, được chia ra cho nhiều thành phần và lý lịch khiến
cho không cá nhân lãnh đạo nào có quyền lực tuyệt đối.
Tổng Bí thư đương nhiệm Nông Đức Mạnh, 70 tuổi, sẽ phải về hưu và nhiều
người trông đợi chủ tịch quốc hội hiện tại là Nguyễn Phú Trọng, 66
tuổi, sẽ lên thay thế. Một số người cho rằng Trọng là một người thân
Trung Quốc - điều này dường như không mang sắc thái quan trọng.
Thành viên kỳ cựu của bộ chính trị là Trương Tấn Sang, 61 tuổi, được
trông đợi thay thế Nguyễn Minh Triết trong chức vụ chủ tịch nước. Là
một lãnh đạo chủ chốt của đảng và cựu bí thư thành uỷ Thành phố Hồ Chí
Minh, thành phố lớn và giàu có nhất Việt Nam, Sang được cho là có quan
hệ rộng rãi trong khu vực, đặc biệt là rất vững chắc với Nhật Bản.
Danh sách lãnh đạo này phản ánh sự cần thiết để giữ nguyên đường lối
đứng vững trước Trung Quốc nếu cần, nhưng cũng tránh những thái độ thù
địch rõ rệt, theo Giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích kỳ cựu về tình
hình chính trị và quân sự Việt Nam thuộc Học viện Quân sự Úc ở Canberra.
"Không có ai trong giới lãnh đạo hiện tại quá thân Trung Quốc như trong
quá khứ," Thayer nói. "Tâm lý bài Trung Quốc hiện đang lan toả trong
khác tầng lớp lãnh đạo cao cấp."
Tuy vậy, Bắc Kinh cũng sẽ tìm thấy ở chính phủ mới này rằng họ có thể
quan hệ được. "Ta phải luôn nhớ rằng quan hệ giữa Việt Nam với Trung
Quốc thì quan trọng hơn bất kỳ quan hệ nào khác và điều này sẽ được
phản ánh trong thành phần lãnh đạo mới," Thayer nói. "Không điều gì xảy
ra ở Hà Nội mà không được cân nhắc kỹ lưỡng về ảnh hưởng của nó đối với
mối quan hệ với Trung Quốc."
Trong khi sự hợp tác chiến lược mới xuất hiện giữa Hà Nội và Washington
vẫn tiếp tục, tiến trình sẽ chậm chạp vì thói quen cẩn trọng của Hà Nội.
"Không có nhiều tính bền vững trong quan hệ này," Thayer lưu ý. "Nó
được thai nghén từ cơ hội, vào thời điểm này nó chủ yếu chỉ mang tính
biểu tượng."
Trọng, từng là một nhà tư tưởng chủ chốt của đảng, là một nhân vật
tương đối bảo thủ, sẽ được Bắc Kinh hiểu rõ. Ông sẽ dẫn đầu khía cạnh
hữu nghị anh em trong mối quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc. Một nhà
ngoại giao châu Á có nhiều kinh nghiệm với cả hai quốc gia nói rằng
Trọng, nổi tiếng là một nhân vật điềm đạm dễ gần, có thể sẽ làm việc
hài hoà với Dũng, người đang muốn hấp dẫn thêm nhiều đầu tư của Trung
Quốc vào Việt Nam.
Trong những năm qua, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ít đi một cách
rõ rệt so với phần còn lại của Đông nam Á, một phần là vì sự nghi ngờ
của cả hai phía.
Việc Dũng thông qua dự án khai thác bauxite của Trung Quốc gần đây đã
dẫn đến sự phê phán hiếm hoi từ công chúng cũng như những quan ngại từ
các đại biểu Quốc hội, họ cáo buộc ông đang bán môi trường đất nước cho
Trung Quốc.
"Trong khi rõ ràng là Việt Nam sẽ tiếp tục đường lối cũ sau những nỗ
lực đứng vững trước Trung Quốc trong một hai năm vừa qua, tôi không
nghĩ rằng Trung Quốc sẽ quá quan tâm đến thành phần lãnh đạo mới này,
có thêm nhiều yếu tố tích cực khiến cho mối quan hệ có vẻ rất vững
chắc," vị quan chức Việt Nam nói.
Đăc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh được trông đợi giữ
nguyên vị trí, phản ánh mong muốn rộng rãi về sự tiếp tục quá trình sau
một năm Việt Nam bất ngờ đón nhận chính sách ngoại giao quân sự nhằm
quốc tế hoá biển Đông. Bộ Quốc phòng cũng đã thành công trong việc vận
động chấp thuận việc mua vũ khí đầy tham vọng từ trước đến nay - sáu
chiếc tàu ngầm tối tân lớp Kilo của Nga, được nhiều người xem là nhân
tố quan trọng để đối đầu với hải quân Trung Quốc.
http://www.x-cafevn.org/
|